Chương 2: Làm quen, hiểu lầm chồng chất
Khanh Khanh đã sớm quen với việc thức dậy vào một thời điểm nhất định. Buổi sáng ngày thứ ba sau khi phát bệnh, vì tăng liều thuốc cảm cúm, đã quá bốn mươi phút so với thời gian thức dậy hàng ngày rồi mà cô vẫn chưa dậy. Phải đến khi Mục Tuần vào gọi cô, cô mới “á” một tiếng rồi hốt hoảng chui ra khỏi chăn.
Giọng cô khản đặc, mũi không thể thở được, điều duy nhất cô có thể làm là cố gượng rửa mặt, trang điểm, nhỏ hai giọt hắc hương(*) vào miệng.
Mục Tuần đứng ở cửa phòng vệ sinh: “Đã đỡ chút nào chưa? Nếu khó chịu thì đừng đi nữa”.
Khanh Khanh bước ra với cặp mí mắt sưng đỏ, trán vẫn còn ấm nhưng không nóng rát. Cô hét lên hai tiếng “ra ngoài, ra ngoài” rồi nhốt Mục Tuần ở ngoài.
Bốn mươi phút sau, lúc ấy đã hết tiết một, cô bất chấp bệnh tật và cơn buồn ngủ dày vò bản thân, tóc chưa khô nhưng vẫn tết đuôi sam rồi phi ra khỏi cửa. Mục Tuần thấy cô đi xe nghiêng nghiêng ngả ngả, trong lòng rất không yên tâm, nhưng đúng lúc ấy lại không tìm thấy chìa khóa xe máy đâu, đợi đến khi đuổi theo thì đã không thấy bóng dáng của Khanh Khanh đâu nữa.
Khanh Khanh chưa khỏi bệnh. Chính vì lòng nhiệt tình với công việc nên cô mới có thể rút ngắn được quãng đường hai mươi phút xuống còn mười lăm phút. Khi đến cổng trường, người cô ướt đẫm, hoa mắt chóng mặt. Sân vận động vang lên tiếng nhạc nghỉ giữa giờ. Cô thấy lòng như lửa đốt, quên cả việc giảm tốc độ lái xe, trong lúc hốt hoảng không bóp chặt phanh, bánh trước đâm vào đuôi chiếc xe ô tô màu đen đỗ bên đường. “Rầm” một tiếng, cô còn chưa kịp có ý nghĩ vùng vẫy, cả người cả xe đã ngã lăn ra đất.
Sợi dây căng lên vì lo đến muộn cuối cùng đã chùng xuống. Khanh Khanh bò dậy, cảm giác mặt đất mềm nhũn, giống như đang giẫm trên bông vậy. Sau khi đứng dậy, cô bị ánh nắng mặt trời chiếu thẳng làm cho chói mắt, bụi dính trên váy cũng không phủi đi, phải vịn vào xe mới đứng vững được. Khanh Khanh dựng xe đạp điện lên, phủi bụi dính trên yên xe, chuẩn bị vào lớp nhưng khi đi ngang qua buồng lái thì đột nhiên cánh cửa mở ra, lực đẩy rất mạnh, suýt chút nữa thì cô lại ngã lăn ra đất.
Tất cả xảy ra quá nhanh, không hề có sự chuẩn bị nào cả. Khanh Khanh buông tay ra theo bản năng, lúc lùi lại chiếc xe đạp điện đã đổ xuống, để lại một vết xước dài trên cửa ô tô.
Không xong rồi!
Trong đầu Khanh Khanh lóe lên một ý nghĩ gây sự, mồ hôi trên trán lập tức bốc hơi. Trong lòng vẫn chưa có sự chuẩn bị thì đã phải đối diện với người đàn ông vừa bước xuống xe. Tuy nhiên lúc ấy vô hình trung lại đẩy cô vào một làn sóng kích động khác.
Người đàn ông đó chính là… Khanh Khanh nín thở, quay lưng về phía ánh nắng, ngắm nhìn người đàn ông trước mắt mình. Lần này khoảng cách rất gần, gần đến nỗi có thể nhìn thấy đôi lông mày và bộ râu chưa cạo sạch dưới cằm anh ta. Anh ta rất cao, gần như cao hơn cô một cái đầu. Ưu thế trời sinh về chiều cao ấy khiến Khanh Khanh phải ngước mắt lên mới nhìn rõ khuôn mặt của anh ta. Sắc mặt không mấy vui vẻ, kính râm che kín mặt, không còn thấy dáng vẻ phong độ hay phóng khoáng khi đưa Tiểu Hổ đến lớp hai hôm trước. Những đường nét góc cạnh rõ ràng dường như đẩy người ta ra xa hơn. Gần như chỉ nhìn thoáng qua là Khanh Khanh có thể nhận ra anh ta. Bởi vì chiếc áo sơ mi màu cà phê đậm vẫn xắn cao, để lộ cánh tay rắn chắc với chiếc áo jacket cùng màu. Lần trước Tiểu Hổ đã ngồi trên cánh tay ấy và được đưa vào trường mầm non.
Trong vài giây, Khanh Khanh cứ ngẩng đầu như thế và nghĩ xem có nên chủ động xin lỗi anh ta không hay là chờ xem chuyện gì sẽ diễn ra. Còn người đàn ông trước mắt cô thì không làm gì. Trong khoảng thời gian gần một phút, hai người cứ nhìn nhau như thế. Lúc Khanh Khanh tưởng rằng anh ta sẽ không nói gì thì đột nhiên anh ta mở miệng, giọng nói lạnh lùng như muốn tạo khoảng cách.
“Cô có biết lái xe không?”. Anh ta khẽ nhếch mếp, nói tiếng Anh pha lẫn với âm mũi của tiếng Pháp. Ánh mắt chất vấn giống như tia sáng lạnh lẽo chiếu thẳng vào mặt Khanh Khanh. Ngón tay lướt qua vết xước rồi đóng sập cửa lại.
“Tôi…”. Khanh Khanh rất hiếm khi đuối lý như thế này, không biết nên giải thích là hiểu lầm hay sự cố.
Anh ta bỏ kính ra, đôi mắt màu cà phê đậm cố kìm nén tâm trạng không mấy vui vẻ, trên trán xuất hiện những nếp nhăn mờ mờ, rõ ràng là không còn trẻ nữa. Dáng vẻ ấy khiến Khanh Khanh nhớ tới ánh mắt của Tiểu Hổ.
Khanh Khanh bị nhìn tới mức da đầu căng lên, cảm thấy không thoải mái, ngay sau đó là cảm giác sợ hãi. Cô đứng đó ngẫm nghĩ một hồi lâu, không tìm được bất kỳ một lời giải thích hay công kích nào, chỉ cúi đầu nhìn mũi giày của mình, khẽ nhắc nhở một câu: “Xe của phụ huynh… không được… đỗ ở cửa này”.
Anh ta nghe rồi không nói gì, nếp nhăn trên trán hằn xuống rồi lại giãn ra, khóe miệng vẫn mấp máy như đang nói gì đó. Khanh Khanh tưởng rằng anh ta sẽ làm gì đó nhưng anh ta lại quay người bỏ đi.
Anh ta đập tay vào cửa xe, vắt chiếc áo khoác lên vai, không nhìn Khanh Khanh lấy một lần mà rảo bước đi vào trường.
Bản nhạc trước giờ vào học đã ngân đến đoạn cuối, Khanh Khanh thở phào một tiếng, dựng chiếc xe đạp điện chạy vào trường. Khi đi qua người đàn ông đó, rõ ràng là nghe thấy anh ta nói câu gì đó, không phải tiếng Anh, cũng không giống tiếng Pháp, tóm lại là cô không hiểu, cũng không có thời gian để hiểu.
Anh nói là việc của anh, tôi làm việc của tôi.
Cô không nghĩ lung tung đến vết xước ấy nữa, không khóa xe mà xách đồ chạy thẳng vào lớp mẫu giáo.
Khanh Khanh vẫn đến muộn. Lúc cô vào lớp, bọn trẻ đã bắt đầu vẽ tranh. Cô bất ngờ nhìn thấy người không nên xuất hiện trong lớp học là Shawn. Anh ta đang ung dung ngả người vào bàn làm việc của cô, lật giở tập tài liệu trên bàn.
Nọa Mễ đeo tạp dề đứng cạnh dạy bọn trẻ vẽ dấu tay. Cô ấy nháy mắt với Khanh Khanh, dáng vẻ rất buồn cười. Linh cảm dữ dội trong lòng Khanh Khanh lại bắt đầu nảy mầm. Mỗi lần Shawn xuất hiện, ít nhiều đều làm đảo lộn cuộc sống bình thường của cô. Tin đồn xuất hiện khắp nơi, phần lớn bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt, vô ý. Bên cạnh Shawn chưa bao giờ thiếu những chuyện gây tin đồn như thế.
Cô không về chỗ, vứt túi xách ở gần cửa, đeo tạp dề vào giúp Nọa Mễ, coi như trong lớp học không có Shawn.
Có một lúc Shawn không hề làm phiền họ, trong lớp học chỉ có tiếng lật giấy sột soạt.
“Em đến muộn rồi!”.
Khanh Khanh giúp bọn trẻ chấm màu, ngoảnh đầu lại mới phát hiện Shawn đã đứng ngay sau mình. Anh ta thường thích gây bất ngờ như thế, đút tay vào túi quần, mỉm cười thân thiện với cô. Trong đôi mắt xanh trong có sự nhiệt tình mà cô quen thuộc. Thực ra anh ta không hề đáng ghét, chỉ có điều Khanh Khanh không cần anh ta.
Thời gian ba năm không để lại quá nhiều vết tích trên người Shawn. Anh và Khanh Khanh tuổi tác xấp xỉ nhau, vào trường cùng một năm. Trước khi đến Trung Quốc anh đã dạy học ở Canada hơn một năm. Shawn là một chàng trai tuấn tú, giống như mặt trời tháng năm. Khuôn mặt trắng muốt, đôi mắt xanh lấp lánh, đằng sau sự nhiệt tình của vùng biển Caribbean là phong độ của người trí thức. Cho dù là Khanh Khanh, vừa vào lớp bồi dưỡng nhân viên mới của trường là nhớ ngay tên của Shawn.
Sau này duyên phận rất tình cờ, lại rất không tình cờ.
Chức vụ mà họ ứng tuyển vốn dĩ không trùng nhau, một người là giáo viên mầm non, một người là giáo viên tiểu học, nhưng lại cùng được một giáo viên hướng dẫn thi chứng chỉ giáo viên quốc tế. Ngoài thời gian thực tập và lên lớp bình thường, thời gian còn lại họ đến chỗ giáo viên hướng dẫn. Tình cảm mê đắm anh dành cho cô cũng bắt đầu từ lúc ấy. Trong bữa tiệc chào mừng nhân viên mới, anh mua cho cô rượu coctail, đưa đến trước mặt nhưng cô không nhận. Sau đó anh cho rằng cô đang chơi trò chơi “hard to get”. Cô đi đến đâu anh đi theo đến đó, năm lần bảy lượt bày tỏ, đến tận khi Khanh Khanh không thể không chơi bài cự tuyệt, suy nghĩ của Shawn mới có chút thay đổi.
Vào trường ba năm, anh có hai ba cô bạn gái chính thức nhưng vẫn không thể giấu được cảm tình với Khanh Khanh. Thậm chí ngày lễ Tình nhân anh còn tặng cô một bó hoa hồng rất to và một thùng socola, đến nỗi ai ai cũng biết. Nhưng Khanh Khanh càng ngày càng cách xa Shawn, giống như hai đường thẳng song song không có giao điểm. Sau khi khóa học bồi dưỡng kết thúc, hai người không còn là bạn, chỉ giữ quan hệ đồng nghiệp bình thường nhất.
Chỉ trừ nụ hôn ấy.
“Em ốm à?”. Shawn quan tâm đến sự tiều tụy của cô, giơ tay lên định kiểm tra nhiệt độ nhưng đã bị cô tránh đi.
Từ trước tới nay Shawn luôn là người biết khó mà không nản lòng, giống như rõ ràng biết cô tên là QingQing (Khanh Khanh) nhưng vẫn cố tình gọi cô là QinQin (Thân Thân).
“Đâu có”, đến muộn cộng với cảm cúm, giọng nói của Khanh Khanh không được dễ chịu lắm. Cô tỏ vẻ khó chịu, đi đến một chỗ rất xa mà Shawn không thể chạm vào được, “Tôi rất khỏe”. Bây giờ là giờ lên lớp, đây là lớp mầm non chứ không phải lớp tiểu học, anh đứng nhầm chỗ rồi”.
“OK, anh không làm phiền em nữa”, rõ ràng biết Khanh Khanh có ý muốn đuổi khách nhưng Shawn vẫn thản nhiên lấy tập tài liệu trên bàn đưa cho cô rồi đút tay vào túi áo, dựa người vào bàn làm việc, “Em hãy đọc cái này thật kỹ, buổi họp lần sau phải chia nhóm thảo luận, giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học cùng một nhóm, anh và em một nhóm!”.
“Anh và em một nhóm”, mấy chữ ấy anh ta nói rất rõ ràng, rõ ràng đến mức mấy đứa trẻ đều ngẩng đầu lên nhìn rồi đặt bút xuống không hiểu vì sao.
Khanh Khanh không nói gì, ngoảnh mặt đi, tiếp tục vẽ tranh với bọn trẻ. Shawn đợi một lúc cũng thấy mất hứng, liền đi ra khỏi lớp. Anh ta vừa bước ra khỏi cửa, Khanh Khanh liền nhét tập tài liệu ấy vào tủ tài liệu. Cô đứng cạnh cửa hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh rồi quay lại pha màu cho bọn trẻ.
Lớp học lại trở lại với trật tự như mọi ngày. Khanh Khanh đeo khẩu trang làm một số công tác bổ trợ đơn giản. Cô vừa hạ sốt, không thể đứng lâu được, liền ngồi xuống thảm giúp Nọa Mễ xâu hạt làm tranh nổi. Cô bị ốm hai ngày, sốt đến nỗi hoa mắt chóng mặt. Những hạt ngọc trong ô cũng rất phức tạp, cầm vài hạt lên cũng không đếm được, làm rơi xuống cạnh chân. Quả thực là Khanh Khanh rất mệt, cô dừng lại massage mắt, nghỉ ngơi một chút rồi lại tiếp tục. Vốn dĩ cô muốn giúp Nọa Mễ để nói chuyện vài câu nhưng bọn trẻ thi nhau tô màu lên mặt nhau, không chịu ngồi yên một phút nào. Vì thế hai người chỉ có thể dùng ánh mắt để diễn tả điều muốn nói.
Xử lý xong những công việc ấy cũng đến thời gian nghỉ trưa. Bọn trẻ được cô trợ giảng ở lớp bên cạnh đưa ra sân vận động chơi. Khanh Khanh thu dọn những bức tranh đã vẽ xong rồi kẹp chúng lại, sắp xếp bút màu và hộp màu trên bàn. Nọa Mễ chạy lại hỏi han: “Không sao chứ? Chị nghỉ đi, để em!”.
“Vẫn ổn, không sao…”. Khanh Khanh gượng cười yếu ớt, không dám dừng công việc trên tay, “Buổi sáng làm phiền em rồi”.
“Khách sáo cái gì chứ!” Nọa Mễ giật lấy đồ trên tay cô, đẩy cô sang chiếc ghế bên cạnh, bắt cô ngồi xuống, “Đừng làm nữa, ngồi xuống đây, có chuyện muốn nói với chị, sáng nay Tiểu Hổ…”.
“Tiểu Hổ… thằng bé làm sao?”. Khanh Khanh đã gục đầu nằm nghỉ nhưng vừa nghe thấy tên Tiểu Hổ cô lại ngồi bật dậy.
“Người giúp việc nhà thằng bé…”. Nọa Mễ vừa mới bắt đầu đã bị một cô giáo khác đẩy cửa bước vào ngắt lời. Khanh Khanh muốn hỏi thêm nhưng nhìn thấy giấy thông báo trên tay cô giáo ấy liền vội vàng đi tới. Sau khi đọc kỹ thông báo, cảm giác thái dương co giật. Cô không nói nhiều với Nọa Mễ, chỉ dặn dò vài câu đơn giản về tiết học sau rồi theo cô giáo đó ra khỏi lớp học.
Người đang đợi Khanh Khanh ngoài viện trưởng Juli và tổ trưởng giáo vụ Mark còn có người đàn ông mà cô vừa mới gặp ở cổng trường.
Không khí trong phòng tiếp đón phụ huynh rất nặng nề, ba người ngồi trên hai hàng ghế sofa. Lúc Khanh Khanh bước vào, chỉ còn lại chiếc ghế nhỏ bên cạnh người đàn ông kia… Trên chiếc bàn là bộ tách chén tinh xảo, trước mặt mỗi người là một cốc cà phê vừa pha xong, dường như chưa ai động vào nó.
Cho dù Khanh Khanh không giỏi đoán ý tứ qua nét mặt nhưng cô biết lúc này không nên vội ngồi xuống. Thế nên cô đứng ở cửa chờ lãnh đạo gọi vào.
Viện trưởng Juli không nói gì, sắc mặt u ám, giống bộ váy màu xám mang phong cách London trên người bà. Ngay cả tổ trưởng tổ giáo vụ Mark thường ngày rất vui tính cũng tỏ ra rất nặng nề, lúc đứng dậy anh nhìn Khanh Khanh bằng một ánh mắt rất khó hiểu, không biết là trách móc hay ngầm báo hiệu điều gì đó.
Khanh Khanh được đưa đến trước mặt người đàn ông kia. Cô vẫn còn suy nghĩ về chuyện xảy ra lúc sáng còn tổ trưởng tổ giáo vụ thì không hề nhận ra điều đó, đứng giữa hai người, giới thiệu rất long trọng để họ làm quen với nhau: “Mr Phí, vị này là cô Mục, Miss Mục. Vị này là chú của em Tiểu Hổ lớp các cô, Mr Duật Minh Phí”.
Nghe thấy tên anh ta, cô không hề cảm thấy ngạc nhiên, dường như đã đoán trước được mối quan hệ của anh ta với Tiểu Hổ. Anh ta chủ động bước tới bắt tay và giới thiệu về bản thân. Vẫn là cái kiểu nói tiếng Anh nhưng âm mũi tiếng Pháp rất rõ rệt. So với thái độ lúc ở cổng trường thì đã ôn hòa hơn rất nhiều.
Khanh Khanh có thể nhận ra rằng người đàn ông tên là Phí Duật Minh này không hề vui vẻ chút nào. Anh ta chỉ chạm nhẹ vào mu bàn tay của cô, không hề có một chút thành ý. Sau khi ngồi xuống cũng không nhìn thẳng vào mặt cô mà tiếp tục nói chuyện với viện trưởng về vấn đề của Tiểu Hổ. Tất cả mọi lời nói đều xoay quanh một từ khiến huyệt thái dương của Khanh Khanh đau dữ dội – chicken pox – thủy đậu.
Có một khoảng thời gian rất dài Khanh Khanh hoàn toàn bị gạt ra ngoài. Tuy vẫn nghe nhưng không được nói xen vào. Cô bị không khí nặng nề trong phòng tiếp đón nhấn chìm, thu mình trên ghế sofa nghĩ đến chuyện của mình. Những triệu chứng bất thường của Tiểu Hổ, quấy khóc lúc ngủ trưa, lúc chơi trò chơi cũng không thấy vui, không muốn ăn, đi học muộn… Sau đó không hiểu vì sao cô lại liên tưởng đến bản thân mình, mệt mỏi, sốt nhẹ, triệu chứng cảm cúm dồn dập ập tới. Lòng bàn tay của Khanh Khanh lấm tấm mồ hôi, lau đi lau lại lên vạt áo mấy lần mà vẫn không hết, liếc nhìn Phí Duật Minh bên cạnh thì chỉ thấy anh ta nhìn cô đúng một lần.
“Việc Tiểu Hổ bị thủy đậu tôi hy vọng phía nhà trường và lớp học đưa ra một lời giải thích. Cô Mục, cô nghĩ thế nào?”.
Khanh Khanh khẽ ho, dòng suy nghĩ bay lượn đến hướng khác nhanh chóng quay về phòng tiếp đón.
Phí Duật Minh bưng tách cà phê lên nhấp một ngụm, lông mày khẽ nhíu lên.
Khanh Khanh bỗng thấy căng thẳng hẳn lên, rút một tờ giấy che tiếng khật khừ khe khẽ.
Chủ hàng lớn ức hiếp khách hàng, khách hàng lớn cũng có thể ức hiếp chủ hàng, trường học quốc tế chính là một ví dụ điển hình. Gặp phụ huynh có thân phận, đừng nói là giáo viên, ngay cả viện trưởng nếu không biết cách xử lý khéo léo thì cũng có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Khanh Khanh không dám nói năng tùy tiện, ngẫm nghĩ một hồi rồi mới nói: “Mr Phí, tôi nghĩ có thể có chút hiểu lầm. Môi trường trong trường học tuyệt đối an toàn, ngài và bố mẹ của Tiểu Hổ có thể yên tâm. Chúng tôi có nhân viên vệ sinh chuyên phụ trách khử trùng những thứ mà các em đã dùng hàng ngày. Lớp chúng tôi mỗi ngày…”.
“Bây giờ tôi không muốn nghe quá nhiều lời giải thích, sự việc đã như vậy rồi. Nếu trường học tuyệt đối an toàn, vậy thì một cô giáo như cô bị ốm nhưng vẫn lên lớp giảng bài cho bọn trẻ, như vậy có thể đảm bảo không truyền bệnh cho bọn trẻ được không?”. Anh ta nhìn tờ giấy ăn trên tay cô rồi lại quay sang nói với viện trưởng, “Chúng tôi không hề có ý trách móc nhà trường. Hôm nay tôi đến đây chủ yếu là thông báo cho nhà trường để nhà trường có sự chuẩn bị. Dù sao thì cũng có rất nhiều em nhỏ, việc phòng tránh lây nhiễm cũng khó khăn. Hơn nữa nếu bệnh thủy đậu lan ra thì chắc chắn không phải là vấn đề nhỏ”.
Khanh Khanh bị những lời nói của anh ta chặn họng đến nỗi không nói được lời nào. Lúc muốn giải thích thì Phí Duật Minh đã đứng dậy chào viện trưởng, tổ trưởng tổ giáo vụ. Thân hình anh ta cao to, còn cô thì gần như bị nhấn chìm trong góc của hình bóng cao lớn ấy, một lần nữa bị ba người có mặt ở đó lãng quên.
Khanh Khanh nấp ở góc ngoặt trên hành lang, cố kìm nén cơn hắt hơi. Nước mũi trào ra, dường như trong người có thứ gì đó trương phình, toàn thân như bay lên cao, tờ giấy ăn chưa kịp dùng cũng rơi xuống đất.
Theo yêu cầu của tổ trưởng tổ giáo vụ, cô vừa đến phòng y tá điền tên vào giấy xin phép nghỉ ốm, sau đó bị bắt ở lại kiểm tra một hồi, lại còn cặp nhiệt độ. Y tá Susi chưa phát hiện ra điều gì, chỉ thấy những nốt mụn nước mới mọc trên mặt cô rất đáng nghi, đưa cho cô ít thuốc tiêu viêm. Vạch nhiệt độ trên cặp nhiệt độ không thấp, Khanh Khanh vẫn không ngừng ra mồ hôi. Mấy loại thuốc cô cầm trên tay đều viết tiếng nước ngoài. Cô có tiền sử dị ứng thuốc, không dám uống tùy tiện. Trong tờ giấy có một ô hỏi đã từng bị thủy đậu chưa, Khanh Khanh không dám chắc nên không điền.
Cô gọi điện thoại về nhà hỏi. Bố thì không còn nhớ con gái đã bị thủy đậu chưa. Mẹ thì không mang di động theo khiến Khanh Khanh rất sốt ruột. Vốn dĩ đang sốt, lại thêm lo lắng nên thấy rất chóng mặt. Ông bà nội đều đến công viên tập thái cực quyền, thím Trương cũng đi chợ mua rau, trong nhà chỉ có Mục Tuần đang ngủ, nghe giọng cô hốt hoảng bèn cảnh giác hỏi cô đã xảy ra chuyện gì. Khanh Khanh nghĩ một lúc rồi ấp úng cúp máy.
Khanh Khanh muốn đến phòng nghỉ lấy một cốc nước nóng, sắp xếp lại dòng suy nghĩ hỗn loạn trong đầu. Cô vừa mới đứng dậy lau mồ hôi thì phát hiện phía cuối cầu thang xuất hiện một hình bóng quen thuộc.
Cô đã không còn xa lạ với hình bóng của anh ta, chí ít thì khi cô theo sau anh ta bước ra khỏi phòng tiếp đón phụ huynh học sinh còn được anh ta quan tâm một cách rất “thân thiện”: “Cô bị thủy đậu chưa?”.
Khoảnh khắc ấy Khanh Khanh rất ghét con người này, con người đã chạm vào nỗi đau của cô. Cô không còn đủ sức, không đáp lại được. Câu hỏi ấy khiến cô thấy không tự nhiên, thêm vào đó là cảm giác ấm ức. Bây giờ cảm giác ấm ức ấy đã chuyển hóa thành sức mạnh, sức mạnh đuổi theo anh ta để hỏi đến cùng.
Ánh sáng chiếu vào lưng anh ta, để lại cái bóng dài đen sì trên hành lang, không giống với những đường nét rõ rệt giống như một người cha mà cô nhìn thấy lần đầu. Khanh Khanh vịn tay vào tường, hành lang như đang bay lên trước mắt cô, biến thành khuôn mặt của Tiểu Hổ, sau đó là sự hoạch họe vô duyên vô cớ của anh ta. Cô không cam tâm, cũng không nghĩ đến hậu quả, vội vàng chạy đuổi theo. Bước đầu tiên suýt nữa thì vấp ngã.
Phí Duật Minh vừa đến bên cạnh chiếc xe của mình thì bị người đứng từ phía sau va vào, tỏ ra rất luống cuống. Anh ngoảnh đầu nhìn, thấy cô nên mới rụt tay lại. Nhưng cảnh tượng trước mắt rất hỗn loạn, giống như một khay màu bị đổ vậy: Chiếc váy hoa nhìn thấy trong phòng tiếp đón xuất hiện trước mắt, khuôn mặt nhợt nhạt, hai lúm đồng tiền không lộ ra, nhịp thở hổn hển giống như sắp khóc, mồ hôi đầm đìa, đứng dựa người vào chiếc xe, dáng vẻ như không cho phép anh lên xe.
“Anh chờ đã, tôi có chuyện muốn nói…”.
“Chuyện gì?”. Anh không biết mục đích của cô là gì, ngược lại chú ý tới một nốt mụn nước màu đỏ trên má cô. Sau khi quầng đỏ lặn đi trở nên hết sức rõ rệt, dễ nhận thấy, giống với những nốt màu trắng nhỏ trên trán Tiểu Hổ khi mới phát bệnh.
“Bây giờ Tiểu Hổ thế nào rồi?”.
“Không được tốt lắm, mụn nước nổi khắp người, vẫn chưa hạ sốt”. Anh ta nói xong định đi mở cửa xe nhưng Khanh Khanh đã chạy lên trước nắm lấy tay cầm, cố chấp không cho anh ta lên xe.
“Chờ một chút… Anh có thể nói cụ thể một chút được không? Tình hình của Tiểu Hổ, tôi rất muốn biết rốt cuộc thủy đậu có phải…”.
Chút kiên nhẫn có hạn của Phí Duật Minh nhanh chóng tiêu tan. Anh ta chống tay lên cửa xe, dường như định quay người bước đi: “Cô Mục, tôi không có thời gian nói cụ thể với cô. Nếu cô không muốn tình hình xấu đi thì nên chăm sóc bản thân mình và những đứa trẻ khác thật tốt. Tiểu Hổ vẫn đang ở trong bệnh viện, có vấn đề gì sau này chúng ta sẽ liên lạc với nhau. Bây giờ tôi phải đi ngay, xin cô tránh ra”.
“Tôi…”. Khanh Khanh thấy lưng ngứa rát, hơi lạnh lan ra khắp người. Khuôn mặt trước mắt biến thành hai khuôn mặt, mơ hồ rồi lại rõ nét. Cô lại ấp úng đến nỗi không nói được lời nào, bỗng nhiên cảm thấy anh ta đang trút tất cả mọi nỗi oán trách lên người mình, bất đắc dĩ phải đứng tránh ra, “Anh hiểu lầm rồi, thực ra…”.
“Tôi không hiểu lầm!”. Anh ta ngắt lời cô, giơ tay mở cửa xe. Khi cánh cửa được mở ra, không hiểu vì sao anh ta lại ngoảnh đầu lại, “Trước đây cô đã từng bị thủy đậu chưa?”. Anh ta không chỉ hỏi một lần, nhìn khuôn mặt tái nhợt của cô, trong lòng anh ta đã dám chắc đến tám chín phần.
“Tôi…”.
Hai người cách nhau rất gần, sau khi chịu đựng cảm giác có lỗi đè nặng trong tim, Khanh Khanh chỉ biết đáp lại bằng sự im lặng. Cô đứng sang bên cạnh, nhường vị trí vốn không thuộc về mình. Gót chân không cẩn thận mắc vào đường dành cho người đi bộ, hụt một cái, ngửa người ngã ra sau.
Ngã không đau lắm, tay vẫn còn chống xuống đất. Cô ngẩng mặt lên, đúng lúc ấy Phí Duật Minh rụt tay lại. Anh ta vốn định đỡ cô, có điều quá muộn, sượt qua mép áo, tay áo rồi lướt qua ngón tay.
“Tôi không sao”, Khanh Khanh chống tay cố gắng đứng dậy. Phí Duật Minh không nói gì, chần chừ một lúc rồi quay về xe.
Chiếc xe ô tô màu đen phóng đi với tốc độ nhanh nhất, ống khói thải ra luồng khói đen sì, cuốn theo một lớp bụi trước mắt Khanh Khanh. Cô đứng đó một lúc rất lâu, không biết nên đi đâu, bước tiếp theo phải làm gì. Cô quay người, đang định đi vào trường thì đột nhiên sau lưng vang lên giọng nói của Mục Tuần.
“Thất Thất!”.
Nhìn thấy Mục Tuần dắt xe máy đi từ con đường đối diện tới, Khanh Khanh giật nảy mình.
“Anh út, sao anh lại đến đây?”.
“Anh hỏi em, người đàn ông lúc nãy là ai?”. Mục Tuần dựng chân chống xe, phủi bụi dính trên tay áo Khanh Khanh, “Anh ta làm gì em?”
“Đâu có, em không sao”. Chiếc xe đã đi xa, Khanh Khanh thấy toàn thân mềm nhũn, “Không có chuyện gì đâu, anh hiểu lầm rồi. Đó là phụ huynh học sinh, đến nói chút chuyện thôi mà, là em không cẩn thận nên mới bị ngã”.
“Thật không?”. Mục Tuần cao giọng nói còn Khanh Khanh thì hạ giọng: “Không có gì thật mà, không sao. Anh đến đây làm gì?”.
“Em có chuyện sao không nói rõ trong điện thoại, rốt cuộc là chuyện gì?”. Mục Tuần kéo tay Khanh Khanh rồi kiểm tra lại một hồi, thấy cô không bị thương mới buông tay ra, “Em muốn hỏi gì thì hỏi anh đây này, sao phải tìm bà nội bằng được?”.
Khanh Khanh che miệng kìm nén cơn hắt hơi đang dâng lên, đầu óc rối tinh lên như bị nhét đầy bông vậy, nhưng vẫn ôm chút hy vọng hỏi Mục Tuần: “Em bị thủy đậu bao giờ chưa, anh có biết không?”.
“Cái này… anh không biết. Sao lại hỏi thế?” Mục Tuần cởi áo khoác khoác lên người Khanh Khanh, “Nhìn xem lần này em bị cảm nặng như thế nào, bảo em ngày hôm nay đừng đến trường, ở nhà nghỉ ngơi thì em không nghe. Xin nghỉ đi, về nhà với anh”.
“Không cần đâu…”.
“Không được, đã như thế này rồi còn lên lớp cái gì nữa!”. Mục Tuần cốc đầu Khanh Khanh, đang định nói lý lẽ thì Khanh Khanh ra hiệu bảo anh đừng nói tiếp nữa. Cô cúi đầu, nhẹ nhàng nói: “Không cần xin nghỉ nữa, em xin nghỉ rồi, nhà trường không cho em đi làm”.
“Thế thì tốt”.
Mục Tuần cùng Khanh Khanh vào lớp lấy đồ, đi đến cửa thì gặp Nọa Mễ. Khanh Khanh dặn dò đủ thứ, hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Cuối cùng Nọa Mễ không thể nghe tiếp được nữa, ôm vai Khanh Khanh thúc giục: “Mau về nhà đi, đừng nghĩ đến chuyện ở trường nữa. Trước tiên phải chữa cho khỏi bệnh đã, không sao đâu, em có thể xoay xở được mà”.
“Thế thì phiền em rồi”, Mục Tuần xách túi xách cho Khanh Khanh rồi tạm biệt Nọa Mễ.
Trên đường về nhà, Khanh Khanh ngồi sau xe máy, đầu đội mũ bảo hiểm, hai tay ôm eo Mục Tuần, buồn rầu hỏi: “Anh út, em bị thủy đậu chưa?”.
“Anh không nhớ nữa. Mặc kệ nó đi, về nhà rồi tính”.
“Có phải là em bị thủy đậu không?”.
“Không đâu, không đâu!”.
“Vì sao đầu gối của anh chảy máu?”.
“À… không sao, lúc nãy đâm vào xe ba bánh bán rau”.
“Có nghiêm trọng không?”.
“Không sao, anh đền cho người bán rau rồi đi luôn”.
“Sau này anh phải đi cẩn thận đấy”.
“Biết rồi, đừng nói nữa, mệt thì nằm ngủ một chút”.
Khanh Khanh nghĩ đến Tiểu Hổ, đội mũ bảo hiểm gục đầu trên lưng Mục Tuần. Cô rất mệt, tâm trạng không vui nhưng lại không có cách giải tỏa hợp lý nên bệnh càng nặng thêm. Về đến nhà đo nhiệt độ, cô đã sốt đến 390, bị nhốt trong phòng cấm đi ra ngoài. Thím Trương đun mấy bát nước gừng cho cô uống để ra mồ hôi, nhưng cô vẫn chưa hạ sốt. Ông bà nội vừa về đến nhà, biết cô cháu gái yêu quý đi làm được nửa ngày thì đổ bệnh, vội vàng chạy lên tầng xem thế nào.
Khanh Khanh từ nhỏ đã rất khỏe, rất ít khi bị ốm, nhưng nếu ốm là ốm rất nặng.
Cô sốt cao nằm trên giường, xung quanh nốt mụn nước duy nhất trên mặt nổi thêm ba bốn nốt đỏ như hạt gạo, giống như lên sởi, cũng giống như thủy đậu.
“Làm thế nào bây giờ? Bị thủy đậu rồi”.
Bà nội lo lắng túm lấy tay áo của ông nội. Thím Trương lật áo ngủ lên kiểm tra, trên cổ, ngực cũng có. Khanh Khanh vốn đã không có tinh thần, nghe thấy tin mình bị thủy đậu càng không còn gì để nói. Cô đắp túi chườm lạnh, lúc không ngủ thì nhìn chằm chằm lên trần nhà, thậm chí quên cả chớp mắt.
Bố mẹ Khanh Khanh sau khi đi làm về cũng được gọi tới. Bố ân cần hỏi han, còn mẹ thì vừa than phiền vừa day trán cho cô. Hiếm khi thấy cô bị ốm, cả nhà đều cuống cả lên. Tối hôm ấy mọi người ăn cơm dưới nhà, Khanh Khanh ở trong phòng, vẫn chưa hạ sốt, những nốt mụn trên người cũng không thể đếm xuể. Bác ba làm bác sĩ cũng được gọi về nhà chẩn trị, trực tiếp truyền nước cho cô.
Mục Tuần thấy bố đi xuống, chạy lại hỏi bệnh tình của Khanh Khanh: “Bố, có nghiêm trọng không?”.
“Cứ theo dõi đã, hy vọng sốt hai ngày là hạ, nếu không thì sẽ phiền phức. Người lớn bị thủy đậu nghiêm trọng hơn trẻ con. Ông bà đâu?”.
“Đang ở trong phòng khách nói chuyện với chú thím ạ”.
“Con lên trên nói chuyện với Thất Thất đi, có chuyện gì thì gọi bố”.
“Vâng”.
Nhìn bố đi xuống dưới, Mục Tuần ba chân bốn cẳng chạy lên tầng. Thím Trương đang ở trong phòng chăm sóc Khanh Khanh. Thím đang băng bó tay cho cô. Khanh Khanh sốt cao đến nỗi trông mặt cô giống như quả đào chín nhũn, quanh mép là những nốt mụn nước dày đặc, không còn dáng vẻ tinh nghịch đáng yêu như trước nữa.
“Thím Trương, thím làm gì vậy?”. Mục Tuần không hiểu.
“Sợ con bé gãi lung tung, nếu những nốt này vỡ ra thì sẽ để lại sẹo. Con gái không được để lại sẹo, như thế sẽ rất xấu, sau này làm sao lấy chồng được!”. Khanh Khanh vừa ốm, nụ cười cũng ít dần trên khuôn mặt của thím Trương.
“Nó bao nhiêu tuổi rồi mà thím còn lo những chuyện ấy”.
“Bao nhiêu tuổi cũng phải lo, các con vẫn là những đứa trẻ!”. Thím Trương chỉ tay vào đầu gối của Mục Tuần khiến anh ngượng ngùng gãi đầu.
Mục Tuần ngồi bên mép giường, giúp thím Trương băng từng ngón tay của Khanh Khanh, những chỗ có móng tay băng rất cẩn thận. Khanh Khanh đang chau mày, không biết là mơ thấy gì, mơ mơ hồ hồ hét lên hai tiếng “hổ”, “sách”.
“Thím Trương, lúc nhỏ con bị thủy đậu cũng thế này ạ?” Mục Tuần lấy khăn mặt lau mồ hôi cho Khanh Khanh rồi lại ngồi xuống ghế nói chuyện với thím Trương.
“Con á, gãi vỡ hết, mẹ con băng tay cho con là con khóc. Về sau thím con đã băng cho con. Nhưng con vẫn gãi, nhìn mũi con xem, vẫn còn sẹo đấy!”. Thím Trương chỉ tay vào cái mũi cao của Mục Tuần, vết sẹo nhỏ duy nhất đã mờ đi theo năm tháng. Thoáng một cái bọn trẻ đã lớn cả rồi, mấy đứa lớn đã lập gia đình, đứa thì ra nước ngoài. Thím Trương thương nhất là hai đứa út. Mục Tuần hiểu chuyện, Khanh Khanh thẳng thắn, chúng đều là những đứa trẻ ngoan. Tuy bây giờ đều đã lớn nhưng trong mắt thím vẫn là những đứa trẻ đáng yêu.
Băng bó xong, Mục Tuần nói muốn ở lại trông Khanh Khanh. Thím Trương không nói gì, xoa đầu Mục Tuần rồi xuống nhà sắc thuốc.